‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo’ – Khi nhà tu không theo nhà Chúa

Hình ảnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám. Ảnh: TTXVN.
CGvST | 31/03/2025

Gánh nặng Thánh giá mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải mang vác

Vào ngày 12 tháng 10 năm 2023, tại Hà Nội, một sự kiện lớn đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm linh mục, tu sĩ và tín đồ Công giáo. Không gian tràn ngập những tràng pháo tay nhiệt liệt vang lên để chào đón các vị khách đặc biệt – những chính khách đại diện cho chính quyền Việt Nam.

Đây là Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám, do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCG) tổ chức.

Sau phần hát quốc ca hùng tráng với giai điệu “Đoàn quân Việt Nam đi…”, chương trình tiếp tục với hàng loạt bài phát biểu và tham luận từ các lãnh đạo chính quyền trung ương, các linh mục, tu sĩ và nhiều đại biểu khác.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không một giám mục nào thuộc Hàng Giáo phẩm Việt Nam xuất hiện hay lên tiếng trong suốt sự kiện. Hình ảnh của cây Thánh giá – biểu tượng thiêng liêng và cốt lõi của Công giáo – cũng hoàn toàn vắng bóng.

Thay vào đó, người ta chỉ thấy cờ đỏ sao vàng tung bay cùng tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện trong các sự kiện do chính quyền tổ chức.

Hình ảnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám. Ảnh: TTXVN.
Hình ảnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám. Ảnh: TTXVN.

Đại hội này mang tên đầy đủ là “Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám”. Dù được chính quyền công nhận hợp pháp, UBĐKCG từ lâu không được đa số tín đồ Công giáo Việt Nam xem là tổ chức đại diện cao nhất cho đức tin của họ.

Vậy điều gì đã dẫn đến nghịch lý này? Và chính quyền Việt Nam đã sử dụng UBĐKCG như một công cụ để kiểm soát Công giáo ra sao?

Một tổ chức do chính quyền lập nên – UBĐKCG

Để hiểu rõ nguồn gốc của UBĐKCG, chúng ta cần ngược dòng lịch sử về những ngày tháng đầy biến động của thế kỷ 20. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, thì tại Tân Trào, Tuyên Quang, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đang diễn ra.

Trong nghị quyết của hội nghị này, lần đầu tiên ý tưởng “mở rộng Việt Nam Công giáo cứu quốc hội” được đề cập. Đây chính là tiền thân của UBĐKCG, cho thấy tổ chức này đã manh nha hình thành trước cả Cách mạng tháng Tám.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, nhiều tín đồ Công giáo thuộc tổ chức này đã tích cực tham gia và ủng hộ chính quyền mới do Việt Minh lãnh đạo. Tuy nhiên, đến năm 1949, Giáo hoàng Pius XII ban hành một sắc lệnh nghiêm khắc, cấm tín hữu Công giáo hợp tác với các phong trào cộng sản.

Sắc lệnh này đã gây ra sự phân hóa sâu sắc trong lòng các tín đồ thuộc Việt Nam Công giáo cứu quốc hội. Một nhóm quyết định rời bỏ Việt Minh, trong khi nhóm còn lại vẫn trung thành với con đường của chính quyền cách mạng.

Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. Ảnh: Tạp chí Dân Vận.
Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. Ảnh: Tạp chí Dân Vận.

Trong số những người rời đi, nổi bật có Giám mục Lê Hữu Từ – vị giám mục người Việt thứ năm, đồng thời là Giám mục Giáo phận Phát Diệm và Giám quản Tông tòa Bùi Chu. Tại vùng Bùi Chu – Phát Diệm, ông đã thành lập lực lượng dân quân tự vệ Công giáo độc lập, không chịu sự chi phối của Việt Minh.

Đến năm 1951, lực lượng này ước tính đã có khoảng 6.000 thành viên. Ngược lại, nhóm tín đồ chọn ở lại với Việt Minh đã họp bàn và đổi tên tổ chức thành Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình (UBLLCGTQ), do linh mục Vũ Xuân Kỷ đứng đầu.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, chia cắt Việt Nam thành hai miền với vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Sự kiện này dẫn đến cuộc di cư lớn của gần nửa triệu tín đồ Công giáo từ miền Bắc vào miền Nam, chiếm khoảng 2/3 tổng số tín đồ Công giáo toàn quốc lúc bấy giờ.

Nhóm do Giám mục Lê Hữu Từ dẫn dắt cũng nằm trong dòng người di cư, xuất phát từ nỗi lo sợ về sự đàn áp tôn giáo dưới chính quyền miền Bắc. Từ đây, hoạt động của Giáo hội Công giáo tại miền Bắc rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn.

Tại miền Bắc, chính quyền áp dụng tư tưởng của Karl Marx, vốn xem tôn giáo là nguồn gốc của sự mê muội và là công cụ của các thế lực tư bản, thực dân. Mục tiêu lý tưởng của họ là xóa bỏ hoàn toàn tôn giáo.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng điều này không khả thi tại Việt Nam – một đất nước có truyền thống tín ngưỡng sâu sắc. Thay vì triệt tiêu, ông chọn cách quản lý tôn giáo thông qua việc thành lập một tổ chức Công giáo do nhà nước kiểm soát, độc lập với Tòa Thánh Vatican.

Tháng 3 năm 1955, chính quyền miền Bắc tổ chức Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu nước tại Hà Nội, với sự hiện diện của Hồ Chí Minh. Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của UBLLCGTQ dưới sự bảo trợ của nhà nước.

Trong khi đó, tại miền Nam, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào năm 1960, một tổ chức tương tự mang tên Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước cũng ra đời vào năm 1961, chịu sự quản lý của Mặt trận.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai trao kinh phí hoạt động cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh. Ảnh: Báo điện tử Đồng Nai.
Chính quyền tỉnh Đồng Nai trao kinh phí hoạt động cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh. Ảnh: Báo điện tử Đồng Nai.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, chính quyền cộng sản càng quyết tâm siết chặt quản lý tôn giáo. Năm 1997, Nghị quyết 297 được ban hành, đưa ra nhiều quy định hạn chế và yêu cầu các hoạt động tôn giáo phải xin phép.

Đến năm 1983, Đại hội đại biểu thống nhất giữa UBLLCGTQ miền Bắc và Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước miền Nam được tổ chức, dẫn đến sự ra đời của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Đến năm 1990, tổ chức này chính thức đổi tên thành UBĐKCG Việt Nam như ngày nay, trở thành một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sự chi phối từ kinh phí đến nhân sự Ủy ban Đoàn kết Công giáo

Ngày 19 tháng 9 năm 2008, tại khuôn viên Tòa Khâm sứ Hà Nội, hình ảnh hàng rào kẽm gai, tiếng động cơ xe ủi đất và hàng trăm cảnh sát xuất hiện đã gây sốc cho nhiều người.

Trước sự chứng kiến của các linh mục, tu sĩ và tín đồ, chính quyền vẫn tiến hành thi công trên khu đất tranh chấp, bất chấp những lời cầu nguyện và phản đối kéo dài nhiều ngày từ hàng trăm tín đồ Công giáo.

Điều đáng nói là UBĐKCG – tổ chức được cho là đại diện cho tiếng nói của người Công giáo – lại hoàn toàn im lặng trong vụ việc này. Không một đại diện nào từ UBĐKCG lên tiếng cùng Tổng Giáo phận Hà Nội để phản đối.

Trong khi đó, theo thông tin trên website chính thức, UBĐKCG khẳng định một trong những nhiệm vụ của họ là phản ánh nguyện vọng chính đáng của đồng bào Công giáo. Sự im lặng này không khó hiểu, bởi UBĐKCG là tổ chức do chính quyền thành lập và quản lý, chịu sự chi phối sâu rộng từ kinh phí đến nhân sự.

Linh mục Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương UBĐKCG. Ảnh: TTXVN.
Linh mục Trần Xuân Mạnh – Chủ tịch Trung ương UBĐKCG. Ảnh: TTXVN.

Tại các kỳ đại hội của UBĐKCG, sự hiện diện của các lãnh đạo chính quyền luôn được chú trọng. Nhà nước không chỉ cung cấp tài chính mà còn phê duyệt nhân sự cho tổ chức này – điều hoàn toàn khác biệt so với các kỳ họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Chẳng hạn, tại Đồng Nai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ UBĐKCG 100 triệu đồng mỗi năm vào các năm 2017 và 2018. Trong khi đó, tại Phú Thọ, con số này lên tới 600 triệu đồng mỗi năm.

Về nhân sự, UBĐKCG cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền. Dù truyền thông nhà nước thường xuyên nhấn mạnh rằng tổ chức này bao gồm đủ các tầng lớp từ giáo dân, tu sĩ đến linh mục, nhưng không một giám mục nào thuộc Hàng Giáo phẩm Việt Nam xuất hiện tại các đại hội. Điều này phản ánh sự phản đối ngầm của các giám mục đối với UBĐKCG.

Tại nhiều giáo phận miền Bắc, các giám mục từ lâu đã có lập trường rõ ràng, cấm linh mục tham gia UBĐKCG. Ví dụ, các Giám mục như Bùi Chu Tạo, Vũ Duy Nhất, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Văn Sang và Lê Đắc Trọng đều không ủng hộ tổ chức này.

Ngược lại, tại giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai), một số linh mục được giám mục cho phép tham gia UBĐKCG, có thể như một kênh đối thoại giữa giáo hội địa phương và chính quyền.

Lễ phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam do Giáo hoàng John Paul II cử hành vào ngày 19/6/1988 tại Roma. Ảnh: Giáo phận Phát Diệm.
Lễ phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam do Giáo hoàng John Paul II cử hành vào ngày 19/6/1988 tại Roma. Ảnh: Giáo phận Phát Diệm.

Tòa Thánh không công nhận

Từ những ngày đầu UBLLCGTQ ra đời, Tòa Thánh Vatican đã liên tục lên tiếng phản đối. Năm 1955, Khâm sứ John Dooley và Hồng y Pietro Fumasoni Biondi đã gửi văn thư cảnh báo các giám mục Việt Nam về sự nguy hiểm của tổ chức này.

Đến năm 1988, khi Giáo hoàng John Paul II phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, chính quyền Việt Nam phản ứng mạnh mẽ, cho rằng đây là hành động chống phá, trong khi nhiều linh mục thuộc UBĐKCG cũng tham gia phản đối sự kiện này theo chỉ đạo của chính quyền.

Năm 1992, Hồng y Angelo Sodano tiếp tục cảnh báo Hội đồng Giám mục Việt Nam về UBĐKCG. Cho đến nay, dù Việt Nam và Vatican đã đạt được thỏa thuận về hoạt động của Đại diện Tòa Thánh vào năm 2023, UBĐKCG vẫn không được Tòa Thánh công nhận.

Gần 80 năm kể từ khi Việt Nam Công giáo cứu quốc hội ra đời, UBĐKCG vẫn kiên định với vai trò là một tổ chức Công giáo độc lập do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, với sự trung thành của tín đồ đối với Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục Việt Nam, ảnh hưởng của UBĐKCG đã giảm dần.

Dẫu vậy, chừng nào tổ chức này còn tồn tại và chính quyền còn muốn duy trì một giáo hội tách biệt khỏi Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn phải gánh chịu cây Thánh giá nặng nề trên hành trình của mình.


CGVST.COM

G I B I CHO CGVST COM

Tin mới cập nhật