Có cần về quê gốc để làm chứng hôn phối không?

Có cần về quê gốc để làm chứng hôn phối không?
CGvST | 24/05/2025

Hỏi: Thưa cha, con có đứa con gái sau khi học xong lớp 9 thì theo con vào miền Nam sinh sống, đến nay đã hơn 6 năm. Nay cháu muốn kết hôn, cha xứ nơi con đang cư trú đã nhận chứng hôn, thụ lý hồ sơ và gửi giấy điều tra về quê — nơi cháu được rửa tội. Nhưng cha xứ quê gốc không trả lời và cho rằng cháu vẫn thuộc giáo xứ cũ do chưa tách khẩu, nên yêu cầu cháu phải về quê khảo hạch kinh văn, giáo lý và làm chứng thì mới được kết hôn. Tuy nhiên, cha xứ nơi con cư trú vẫn tiến hành chứng hôn. Khi cháu về quê báo hỷ, cha xứ quê tuyên bố cháu kết hôn sai luật, ai đi ăn cưới sẽ mắc tội trọng. Gia đình con rất hoang mang, giờ con phải làm sao?

Có cần về quê gốc để làm chứng hôn phối không?
Có cần về quê gốc để làm chứng hôn phối không?

Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh trả lời:

Giáo luật điều 1115 quy định: “Hôn phối phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết hôn có cư sở, bán cư sở hay nơi cư trú được một tháng; nếu là những người vô gia cư, thì tại giáo xứ mà đương sự đang ở. Hôn phối có thể cử hành ở nơi khác, khi có phép của Bản Quyền riêng hay Cha Sở riêng”.

Hội đồng Giám mục Việt nam cũng quy định về thủ tục hôn phối:

Điều 3: Để cha sở chứng hôn hợp luật, phải có ít là một trong đôi bạn đã cư ngụ trong giáo xứ của mình được một tháng. Nếu không, cha sở phải xin phép Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng của một trong đôi bạn. Trong trường hợp này, Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng chỉ “cho phép” chứ không “ủy quyền”.

Điều 4: “Khi một trong đôi bạn xin được kết hôn trong giáo xứ mà người ấy có cư sở hay thường trú, cha sở buộc phải chứng hôn cho họ, không được từ chối, vì chứng hôn là một trong những nhiệm vụ được ủy thác đặc biệt cho cha”.

Điều 8: Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác, cha sở có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, trong đó chỉ ra những nơi mà người đó đã cư ngụ, và cấp chứng thư Rửa tội và Thêm sức.

Nếu không thể tìm thấy trong sổ hoặc có được chứng thư Rửa tội hay Thêm sức, cha sở có thể chứng nhận dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên.

Như vậy, con của bạn đã cư trú tại giáo xứ ở miền Nam được trên một tháng, cha sở nơi bạn và con gái đang cư trú có năng quyền chứng hôn hữu hiệu cho cháu.

Các cha xứ khác, kể cả cha xứ nơi cháu được rửa tội cần phải tôn trọng quyền chứng hôn của cha xứ nơi cháu cư trú và cộng tác với ngài để điều tra và gửi kết quả cùng chứng nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức cho ngài (quy định thủ tục hôn phối, điều 8).

Quy định không yêu cầu con gái của bạn phải về quê gốc nơi được rửa tội để khảo kinh văn, giáo lý và làm chứng hôn phối. Trong trường hợp, cha xứ nơi rửa tội không cộng tác, không gửi kết quả điều tra thì cha xứ nơi cư trú vẫn có quyền chứng hôn hữu hiệu tại giáo xứ của ngài, miễn là đã điều tra và thấy chắc chắn không có ngăn trở (Giáo luật điều 1066, 1109; Quy định thủ tục hôn phối, điều 14).

Tuy nhiên, sau đó, cha sở nơi quê gốc, nơi cháu được rửa tội thấy cháu có ngăn trở, nhất là ngăn trở hôn nhân hữu hiệu thì cần phải báo với cha sở nơi chứng hôn, còn nếu không thấy có ngăn trở thì cần phải nhìn nhận Bí tích mà đương sự đã cử hành.

Còn việc cháu vào nam sinh sống mà không báo với cha sở nơi rửa tội để tách khỏi giáo xứ thì cha xứ nơi quê gốc vẫn có trách nhiệm cộng tác, giúp đỡ với cha sở nơi cư trú để ngài chứng hôn cho cháu (Quy định thủ tục hôn phối, điều 5).

Trong trường hợp của bạn, bạn cần giải thích với cha sở quê gốc để ngài đón nhận, đồng thời giải thích với những người đi dự đám cưới để họ yên tâm đi ăn cỗ, nếu cha sở cần điều tra thêm chuyện gì thì gia đình cần cộng tác với ngài.

*Chứng hôn phối là hành vi mục vụ chính thức của cha sở (hoặc linh mục được ủy quyền), đại diện cho Giáo Hội, để chứng kiến và công nhận việc cử hành bí tích Hôn phối giữa hai tín hữu công giáo.


CGVST.COM // GP Bùi Chu

Mời Cộng Đoàn Thảo luận bài viết này: TẠI ĐÂY

Tin mới cập nhật